Vật lí học là ngành khoa học nghiên cứu các dạng vận động đơn giản, tổng quát nhất của vật chất và tương tác giữa chúng. Chương trình môn Vật lí lựa chọn phát triển những vấn đề cốt lõi thiết thực nhất, đồng thời chú trọng đến các vấn đề mang tính ứng dụng cao là cơ sở của nhiều ngành kĩ thuật, khoa học và công nghệ. Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí. Vì vậy, Chương trình môn Vật lí chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng tìm hiểu các thuộc tính của đối tượng vật lí thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau [1]. Thực tế trong các nhà trường phổ thông hiện nay, việc thiếu trang thiết bị dạy học nói chung và thiết bị thí nghiệm thực hành môn Vật lí nói riêng đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập và khả năng định hướng nghề nghiệp sau này của học sinh. Các thầy cô đã khắc phục những khó khăn trên bằng cách sử dụng video thí nghiệm, thí nghiệm mô phỏng ... tuy nhiên, việc chỉ được xem mà không được thực hành trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo và sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Qua nghiên cứu các bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động thẳng đều, biến đổi đều, tròn đều và ghi đồ thị dao động tắt dần được giới thiệu trong sách giáo khoa Vật lí lớp 10, lớp 11 của bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo... và một số bộ thí nghiệm có trên thị trường, nhóm tác giả thấy có một số vấn đề cần cải tiến; một số bộ thí nghiệm chưa có trên thị trường cần nghiên cứu làm mới để đưa vào sử dụng trong dạy và học môn Vật lí lớp 10, lớp 11 phần chuyển động thẳng, chuyển động tròn và dao động tắt dần… góp phần khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học, thí nghiệm thực hành môn Vật lí, hướng đến mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đề ra [1-7].
(CHI TIẾT THEO ĐÍNH KÈM BÀI VIẾT)